Thiếu nước, nhiều khu du lịch tại Mũi Né gặp khó.

          Cập nhật ngày 07/4/2016




          BT - Hầu hết các khu du lịch tại Mũi Né trước đây vẫn phải sử dụng nước giếng khoan, nhưng tình hình nắng nóng kéo dài khiến mạch nước ngầm sụt giảm, bên cạnh đó các giếng đào sâu hơn thì gặp phải nước nhiễm mặn.


Hai bể chứa nước 60m³ của Khu du lịch Sailing Bay.


          Từ đầu tháng 3 đến nay, khu xử lý nước sinh hoạt tại nhà máy nước của Khu du lịch Sailing Bay Mũi Né luôn hoạt động hết công suất. Bình quân, mỗi ngày nơi đây cần khoảng 100m³ nước phục vụ cho hoạt động du lịch, bao gồm thay nước bể bơi, giặt giũ, sinh hoạt của du khách. Để có đủ lượng nước hàng ngày, 4 giếng khoan ở độ sâu 8m phải hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, trong những tháng nắng khi mà mạch nước liên tục bị hụt, trong khi đó đơn vị không thể đào giếng sâu hơn do nước nhiễm mặn thì lượng nước không đủ để cung cấp. “Để chủ động về nguồn nước, chúng tôi đã xây dựng thêm hai bể chứa dự trữ, với dung tích 60m³, cùng với đó là một bể chứa trung tâm 150m³. Tuy nhiên, thời điểm lễ, tết hay cuối tuần, lượng khách lưu trú đông thì nước sạch là bài toán khiến chúng tôi khá đau đầu!” - bà Lê Nguyên Phương Uyên – Giám đốc điều hành khu du lịch Sailing Bay Mũi Né nói.

          Hiện nay, trên địa bàn phường Mũi Né có tất cả 64 khu du lịch lớn nhỏ đang hoạt động. Đáng tiếc, tất cả đều chưa được sử dụng nước sạch đúng tiêu chuẩn do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận cung cấp. Để có nguồn nước phục vụ hoạt động du lịch thì các doanh nghiệp buộc phải khoan giếng ngầm. Tuy nhiên, vài năm trước khi nắng hạn chưa gay gắt thì tình hình nằm trong tầm kiểm soát của doanh nghiệp, nhưng hiện nay thì khác. Đại diện nhiều khu du lịch cho biết, mạch nước ngầm trong mùa khô hiện nay đã sụt giảm khá nhiều. Trong khi đó họ lại không thể khoan giếng sâu hơn. Bởi lẽ, ở độ sâu hơn mạch nước ngầm là một lượng nước bị nhiễm mặn do hoạt động chế biến cá cơm từ nhiều năm qua. Để chủ động được nguồn nước, nhiều doanh nghiệp làm du lịch phải sử dụng biện pháp tích trữ, thậm chí mua thêm nước sạch từ những nơi khác.

          Bà Nguyễn Thị Huỳnh Hoa – Phó Chủ tịch UBND phường Mũi Né cho biết: Hiện nay, trên địa bàn phường đang có một nhà máy nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận điều hành. Bên cạnh đó là một nhà máy nước do Công ty Phú Hiệp đầu tư tại khu phố Suối Nước. Tuy nhiên hai nhà máy này chỉ duy trì cung cấp cho 40% số hộ gia đình trên tổng số hơn 6.000 hộ tại Mũi Né. Trong bối cảnh nắng hạn kéo dài hiện nay, không riêng gì các khu du lịch mà nhiều hộ dân đang phải lao đao tìm nguồn nước. “Từ thời điểm trước Tết Nguyên đán 1 tháng cho đến nay đã có nhiều hộ phải mua nước từng can, với giá cao gấp 6, 7 lần giá nước sinh hoạt. Tại các khu du lịch, một số doanh nghiệp có lên trực tiếp UBND phường đề xuất địa phương can thiệp xin lắp đường ống dẫn nước để đảm bảo nước sạch trong hoạt động du lịch. Thế nhưng thời điểm này người dân chưa đủ nước sử dụng rất khó để lắp đặt nước cho các doanh nghiệp nói trên” – bà Nguyễn Thị Huỳnh Hoa thông tin thêm.

          Do nắng hạn hơn 4 tháng qua, 690 hộ dân xã Thiện Nghiệp đang phải đối mặt với cảnh thiếu nước sinh hoạt. Mới đây, ông Nguyễn Thu Sơn – Bí thư Thành ủy Phan Thiết đã tổ chức họp bàn cùng với các sở, ban ngành của tỉnh và một số phòng, ban thành phố để tìm phương án khắc phục. Trước mắt, ông Nguyễn Thu Sơn yêu cầu chính quyền xã Thiện Nghiệp cần rà soát trong số những hộ đang thiếu nước thì đâu là trường hợp hộ nghèo, hộ gia đình chính sách để đề xuất mức hỗ trợ mua nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Phan Thiết cũng đề nghị Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn nghiên cứu phương án đẩy nước từ tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu lên tiếp nước cho xã Thiện Nghiệp. Hiện nay, công suất nước tại Nhà máy nước Thiện Nghiệp đang cung cấp khoảng 500m³/ngày đêm. Tuy nhiên lượng nước này trước khi đến với 3 thôn thiếu nước trầm trọng của Thiện Nghiệp là Thiện Sơn, Thiện An và Thiện Bình thì phải chảy qua đoạn khu dân cư 1/8 của phường Hàm Tiến. Chính vì vậy, dựa trên đề xuất của xã Thiện Nghiệp và một số sở, ngành của tỉnh, ông Nguyễn Thu Sơn đề nghị sẽ lắp tuyến ống mới, nối nước từ đường Nguyễn Đình Chiểu về cho khu dân cư 1/8 sử dụng. Riêng lượng nước mà Nhà máy nước Thiện Nghiệp cung cấp cho khu dân cư sẽ đẩy về những khu vực hạn hán của Thiện Nghiệp.




Trích nguồn: Báo Bình Thuận.

Website: http://baobinhthuan.com.vn