Thành Tựu.




   Theo báo cáo số 562/BC-TTN-KH ngày 05/8/2006: về việc quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Trung Tâm Nước Sạch Và Vệ Sinh Môi Trường Nông Thôn Bình Thuận.

Giai đoạn hình thành và khởi động: (1/1987 – 10/1991)

1.1- Tên: Chương trình Nước / UNICEF lúc mới ra đời thuộc Ban Định canh Định cư và Phát triển vùng Kinh tế mới, từ năm 1991 thuộc Ban Quản lý các Chương trình viện trợ Quốc tế tỉnh Thuận Hải.

1.2- Kết quả đạt được:

   - Là đơn vị đặt nền móng đầu tiên về loại hình giếng khoan, giếng đào lắp bơm tay phục vụ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn nông thôn toàn tỉnh Thuận Hải.
   - Là đơn vị đầu tiên của Tỉnh tiến hành công tác khảo sát, áp dụng những kết quả nghiên cứu về lĩnh vực địa chất thủy văn để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho nhân dân nông thôn với qui mô nhóm hộ.
   - Trên một ngàn giếng đào, giếng khoan tay tầm nông đã được lắp đặt trong giai đoạn này góp phần giải quyết nguồn nước sinh hoạt, giảm bớt phần nào khó khăn vất vả cho nhân dân nông thôn nhất là các vùng sâu - vùng xa.
   - Nguồn thu sự nghiệp của đơn vị từ vài chục triệu đến dưới 150 triệu đồng/năm.
   - Vốn ngân sách chủ yếu hỗ trợ cho công tác tiếp nhận viện trợ và chi phí cho bộ máy quản lý chương trình. Kinh phí đầu tư các công trình cấp nước cơ bản do Unicef tài trợ 50 - 70% giá trị công trình, phần còn lại do nhân dân đóng góp.

Giai đoạn trải nghiệm và vượt dốc: (10/1991 – 07/1997)

2.1- Tên: Chương trình Nước sinh hoạt Nông thôn tỉnh Bình Thuận.

2.2- Cơ quan chủ quản: Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bình Thuận. Từ tháng 4/1993, đơn vị thuộc Sở Nông Lâm nghiệp (sau đó đổi tên là Sở Nông nghiệp và PTNT).

2.3- Kết quả đạt được:

   - Trước năm 1993, vẫn còn tiếp tục thực hiện các loại công trình nhỏ lẻ với cơ chế như giai đoạn đầu. Tuy nhiên, trong giai đoạn này địa bàn thực hiện được mở rộng trên qui mô toàn tỉnh Thuận Hải (cũ). Hàng ngàn giếng khoan, giếng đào, giếng cải tạo, bể chứa nước mưa... đã được triển khai lắp đặt hàng loạt với sự phối hợp của Phòng nông nghiệp và PTNT các địa phương trong Tỉnh.
   - Từ năm 1993, là 1 trong vài tỉnh đầu tiên trong cả nước bắt đầu triển khai loại hình hệ thống cấp nước nông thôn. Ý tưởng về xây dựng nhà máy nước mini ở nông thôn được khởi động từ đề xuất của Bình Thuận với Unicef vào những năm 1991 - 1992, xuất phát từ phương án cấp nước cho khu dân cư tập trung của xã Phú Hải (nay là phường Phú Hài - Tp Phan Thiết), khai thác từ các giếng đào dưới chân đồi cát. Hệ thống cấp nước (HTN) xã Phước Thể - Tuy Phong, HTN Sara xã Hàm Đức - Hàm Thuận Bắc... là những nhà máy nước nông thôn đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, các công trình hệ thống cấp nước nông thôn trong giai đoạn này còn mang tính sơ khai với những đặc điểm cơ bản là:
   - Có qui mô nhỏ, công suất lớn nhất chỉ đạt đến 200m3/ngày, chiều dài tuyến ống cấp nước rất hạn chế khoảng 10km. Vốn đầu tư thấp, không quá 300 triệu đồng/ công trình. Số công trình được đầu tư ít (9 HTN).
   - Sử dụng chủ yếu nguồn nước dưới đất, khai thác từ các giếng đào hoặc giếng khoan nông. Đặc biệt, Bình Thuận là tỉnh đầu tiên áp dụng giải pháp công trình thu nước ngầm mạch nông dưới chân các đồi cát ven biển bằng hệ thống giếng đào có đáy thông nhau đưa về một giếng khai thác trung tâm (ứng dụng từ sự cải tiến phương thức thu nước của các giếng tia trên đồi cát được xây dựng từ thời Pháp thuộc).
   - Nguồn nước cấp chưa qua khâu xử lý lắng lọc và tiệt trùng đúng qui định nên chất lượng nước cấp chưa đảm bảo và không ổn định về tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống của Bộ Y tế.
   - Đa số vận hành bằng bơm diezel hoặc bơm điện sử dụng nguồn điện từ máy phát điện riêng, vận hành hoàn toàn bằng thủ công.
   - Toàn bộ các công trình hệ thống cấp nước sau khi đầu tư hoàn thành được bàn giao cho các địa phương (huyện, xã) trực tiếp quản lý vận hành nên chưa phát huy tốt hiệu quả đầu tư, khả năng bảo dưỡng sửa chữa nâng cấp và áp dụng các công nghệ mới thấp.
   - Giai đoạn này ngoài vốn tài trợ của Unicef đã bắt đầu có sự quan tâm đầu tư cho chương trình từ nguồn ngân sách Tỉnh nhất là sau khi có Chỉ thị 200CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường nhưng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách chưa nhiều, bình quân 1 - 2 tỷ đồng/năm.
   - Hoạt động thu sự nghiệp của toàn đơn vị trong giai đoạn này cũng chỉ đạt vài ba trăm triệu đồng ( 400 triệu đồng) mỗi năm. Lực lượng cán bộ quản lý kỹ thuật đã bước đều tích lũy được nhiều kinh nghiệm, trực tiếp lập dự án, thiết kế kỹ thuật và thi công một số công trình hệ thống cấp nước. Vào cuối giai đoạn này (1996) giàn khoan máy do Unicef tài trợ chính thức đưa vào hoạt động chủ yếu thực hiện công tác khảo sát nguồn nước các hệ thống cấp nước và bước đầu tiến công vào các địa bàn vùng núi cao, địa tầng đá cứng mà khoan tay trước đây không thể xuyên thủng được.

Giai đoạn tự khẳng định và tăng tốc: (07/1997 đến nay).

3.1- Tên: Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh Môi trường Nông thôn Bình Thuận (Quyết định số 1395QĐ/UB-BT ngày 09/07/1987).Ngày 23/03/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số: 845/QĐ-UBND đổi tên Trung tâm Nước Sinh họat và VSMTNT tỉnh Bình Thuận thành Trung tâm Nước sạch và VSMTNT tỉnh Bình Thuận.

3.2- Cơ quan chủ quản: Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận.

3.3- Kết quả đạt được:

   3.3.1- Về thực hiện chương trình:

   - Từ năm 1998, Chương trình nước sạch và Vệ sinh môi trường Nông thôn được Chính phủ chọn là một trong các chương trình mục tiêu Quốc gia. Nguồn vốn ngân sách đầu tư cho Chương trình ngày càng tăng (NSTT, CTMTQG, CT 134, CT 174...), năm sau cao hơn năm trước (KH 2006 gần 30 tỷ đồng). Ngược lại, sau hơn 10 năm là người mở đường thắp lên đóm lửa đầu tiên và là nguồn tài trợ chủ yếu cho Chương trình ở giai đoạn trước vốn tài trợ của Unicef ngày càng giảm đáng kể do Bình Thuận không nằm trong danh sách các Tỉnh trọng điểm của Unicef.
   - Giảm dần và tiến tới chấm dứt thực hiện phương án đầu tư thường xuyên các công trình cấp nước nhỏ lẻ từ nguồn vốn Ngân sách (chủ yếu vận động và hướng dẫn cho cộng đồng tự đầu tư) và chuyển hướng hoàn toàn sang tập trung đầu tư các công trình sang hệ thống cấp nước (loại hình mang tính cấp nước đô thị, đảm bảo chất lượng nước cấp, công trình hoạt động bền vững và phát huy hiệu quả đầu tư).
   - Các hệ thống cấp nước được đầu tư trong giai đoạn này có quy mô ngày càng lớn (bình quân 500 – 1.000m3/ngày), vốn đầu tư tăng cao bình quân 4 – 6 tỷ đồng/công trình và đều được lắp đặt hệ thống xử lý bảo đảm tiêu chuẩn nước sạch theo qui định, đồng thời các công công trình cũ đều được nâng cấp mở rộng. Chuyển hướng đầu tư từ sử dụng nguồn nước dưới đất sang sử dụng nước mặt từ các công trình thuỷ lợi để đảm bảo các nguồn nước cấp ổn định với công suất lớn, kỹ thuật vận hành, xử lý phức tạp.
   - Đến cuối năm 2005, ước tính đã có 60% dân số nông thôn toàn Tỉnh được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong đó, số hộ có cơ hội sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ các công trình cấp nước tập trung là 27%, số hộ đã lắp đặt thuỷ kế sử dụng nước là 11%. Khoảng 55% số hộ nông thôn có hố xí gia đình.
   - Có 41 xã và 8 thị trấn (chiếm tỉ lệ 45%) trong tổng số 107 xã/thị trấn thuộc khu vực nông thôn trên địa bàn toàn Tỉnh được đầu tư hệ thống cấp nước tại khuvực trung tâm với tổng công suất 18.255m3/ngày. Tuy Phong là huyện đầu tiên của Tỉnh có 100% số xã/thị trấn được đầu tư hệ thống cấp nước, tiếp đó các huyện có nhiều hệ thống cấp nước nông thôn được đầu tư là: Bắc Bình (7 xã/thị trấn), Hàm Thuận Bắc(7), Hàm Tân (4), Hàm Thuận Nam (3), Phan Thiết (3), Tánh Linh (1), Lagi (1). Các công trình hệ thống cấp nước nông thôn đã bắt đầu mang dáng dấp và có khuynh hướng tiếp cận với cấp nước đô thị cả về qui mô, công nghệ - kỹ thuật và năng lực quản lý vận hành khai thác , góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn mới, nâng cao mức sống, rút ngắn dần khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.
   - Đặc biệt trong giai đoạn này, từ cuối năm 1999, loại hình lu chứa nước 2m 3 bằng bêtông đá mạt mác cao thực hiện theo kỹ thuật của Thái Lan do Unicef chuyển giao đã phát triển trên địa bàn toàn Tỉnh nhất là ở khu vực dân cư ít tập trung và chưa được đầu tư hệ thống cấp nước,. Tính đến nay, bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Unicef, CTMTQG, NSTT và vốn góp từ cộng đồng đã có gần 20.000 lu 2m3 được thực hiện trên địa bàn trên toàn Tỉnh góp phần tăng thêm lượng nước dự trữ phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân nông thôn.
   - Kể từ khi được tiếp nhận chương trình cấp nước sinh hoạt nông thôn do Unicef tài trợ năm 1987, đến nay Trung tâm đã trực tiếp thi công lắp đặt số lượng các loại công trình cấp nước như sau:
      + Trên 5.000 giếng đào và giếng cải tạo.
      + Trên 1.000 giếng khoan tay.
      + Trên 100 giếng khoan máy.
      + Gần 20.000 lu chứa nước 2m3 và bể 4m3
      + Gần 100 km tuyến ống các loại và nhiều hệ thống cấp nước
      + Hàng trăm hố xí và nhiều công trình vệ sinh khác

   3.3.2- Về xây dựng nội bộ:

Sau gần 10 năm được đổi tên và hoạt động theo cơ chế mới của đơn vị sự nghiệp có thu tự chủ và tự trang trãi về tài chính, Trung tâm đã củng cố và xây dựng nội bộ phát triển về nhiều mặt, cụ thể như sau:
   - Thiết kế cơ cấu tổ chức gọn nhẹ và không điều chỉnh cho phù hợp với tốc độ phát triển và tình hình hoạt động thực tế.
   - Số lượng CBVC tăng hơn 7 lần, trong đó cán bộ có trình độ đại học – trung cấp chiếm tỉ lệ hơn 53% và tích luỹ được nhiều kinh nghiệm thực tiễn có đủ năng lực hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành về các công tác khảo sát, thiết kế, lập dự án, quản lý dự án, giám sát thi công và thi công công trình.
   - Có đủ năng lực quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống nước với qui mô ngày càng tăng. Đến nay Trung tâm đã trực tiếp quản lý 20 hệ thống cấp nước với tổng công suất 6.800m3/ngày cung cấp cho 1 phường, 5 thị trấn và 19 xã; sản lượng năm 2006 ước đạt gần 1,2 triệu m3 ghi thu. Ước tính đến cuối năm 2006, Trung tâm sẽ quản lý khai thác 27 HTN với công suất 10.000m3/ngày phục vụ cho 7 phường, thị trấn và 25 xã trên địa bàn toàn Tỉnh. Toàn bộ các công trình được duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp thường xuyên nên đều hoạt động liên tục, bền vững, phát huy hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, có 2 công trình hệ thống cấp nước xã Thiện Nghiệp- thành phố Phan Thiết và xã Hồng Phong - huyện Bắc Bình cấp nước cho khu vực kháng chiến cũ trên đồi cát, có cao độ chênh lệch từ nguồn nước đến khu dân cư sử dụng là 150m, khoảng cách trên 12 km với 4 cấp bơm, thuộc loại công trình cấp nước sinh hoạt đặc thù chỉ riêng có ở Bình Thuận.
   - Nguồn thu sự nghiệp tăng từ 15-20 lần (năm 2005 thu 10,1 tỷ đồng, kế hoạch 2006 thu 12 tỷ đồng ), trong đó doanh thu cấp nước chiếm tỉ trọng khoảng 30% nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh và được xác định là hoạt động chủ lực lâu dài của Trung tâm. Liên tục trong các năm qua đơn vị đã sử dụng nguồn thu sự nghiệp để trang trải chi lương cho CBVC, chi thường xuyên khác, chi mua sắm trang thiết bị... đồng thời thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Đảm bảo việc làm ổn định, thường xuyên và thu nhập khá cho CBVC an tâm công tác.
   - Tập thể CBVC thực sự đoàn kết, thống nhất và luôn đổi mới, năng động, linh hoạt ứng dụng nhanh các tiến bộ của khoa học công nghệ trong xây dựng và phát triển nội bộ để thích nghi kịp thời với cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm chi phí thường xuyên. Một số kết quả cụ thể sau:
      + Được QUACERT (Trung tâm Chứng nhận Phù hợp Tiêu chuẩn) cấp giấy chứng nhận công nhận hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000. Hầu hết các lĩnh vực hoạt động của đơn vị đều được ban hành thành qui chế, nội qui, qui trình, tiêu chuẩn để thuận lợi trong công tác thực hiện và kiểm soát định kỳ và đột xuất.
      + Xây dựng Chính sách chất lượng và Slogan (Nước sạch - Vệ sinh nông thôn Bình Thuận - Vươn tới mọi nhà) dựa trên nền tảng tổ chức lấy ý kiến phát huy tối đa trí tuệ của tập thể CBVC.
      + Có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và có hiệu quả hoạt động của từng cá nhân nhằm biểu dương, khen thưởng hoặc phê bình, khiển trách định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất.
      + Có cơ chế kiểm tra năng lực thực tế hàng năm đồng thời khuyến khích mọi ý tưởng sáng tạo, cải tiến, Tạo điều kiện, môi trường và áp lực cho từng cá nhân nỗ lực vươn lên không ngừng thông qua việc học tập và trao đổi kinh nghiệm (kể cả các chức lãnh đạo trong đơn vị).
      + Thực hiện tốt Qui chế dân chủ cơ sở, bước đầu áp dụng hình thức tranh cử, chất vấn, công khai chương trình hành động đối với các ứng viên dự kiến xem xét bổ nhiệm chức danh lãnh đạo. Tổ chức thi tuyển công khai đầu vào nhằm chọn đúng cán bộ có phẩm chất và năng lực thực sự.
      + Xây dựng các tủ sách chuyên môn tại từng Phòng Nghiệp vụ, Đội thi công và các công trình cấp nước để không ngừng nâng cao kiến thức cho CBVC.
      + Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác in ấn hóa đơn tiền nước và lắp đặt thủy kế, thiết lập chương trình GIS để quản lý công trình cấp nước và khách hàng, thiết lập chương trình quản lý các dự án đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và trang Web nội bộ.