Nước trong mùa khô: Sự tính toán cam go.

          Cập nhật ngày 26/11/2015



>>Bài 2: Căng thẳng nước sinh hoạt.




          BT- LTS: Có lẽ chưa khi nào việc sử dụng nguồn nước trong mùa khô lại phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng như năm 2015. Mùa mưa đến trễ và kết thúc sớm; hạn hán xảy ra gay gắt ở nhiều vùng là nguyên nhân chính khiến nguồn nước thiếu hụt. Sản xuất vụ đông xuân 2015 - 2016 này, hàng ngàn ha lúa bị cắt giảm diện tích, ưu tiên cho nước sinh hoạt, nước uống gia súc...


Bài 1: Cắt giảm diện tích sản xuất vụ đông xuân


          Nguồn nước tích trữ tại các hồ chứa có hạn, nhưng trước nhu cầu sử dụng của người dân quá lớn. Do đó việc cân nhắc, ưu tiên đối tượng sử dụng là cần thiết nhất...


Hạn hán - nỗi âu lo của người dân Bình Thuận.


          Những ngày này, nông dân huyện Tuy Phong đang rất vui mừng, đồng loạt xuống giống vụ đông xuân 2015 - 2016, với diện tích trên 2.000 ha. Không phải vì nơi đây có mưa mà sau 5 vụ liên tiếp không thể sản xuất, nay nhờ có nguồn nước từ hồ Đá Bạc (được chuyển về từ hồ Lòng Sông), đảm bảo sản xuất cho bà con. Trái ngược niềm vui đó, vụ đông xuân này, các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân không sản xuất vụ đông xuân và cắt giảm một số diện tích tưới thanh long; thị xã La Gi chỉ sản xuất hơn 170 ha lúa. Huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình là địa phương có diện tích sản xuất bị cắt giảm nhiều nhất.

          Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, theo tính toán, sau khi kết thúc vụ mùa 2015 và cấp sinh hoạt mùa khô 2016, lượng nước còn lại 649,42 triệu m3, chỉ đảm bảo cung cấp cho 17.503 ha/33.245 ha vụ đông xuân 2015-2016 (trong hệ thống tưới), đạt 53% kế hoạch. Do đó, sở đã chốt phương án cắt giảm trên 15.600 ha lúa vụ đông xuân trong toàn tỉnh.

          Cụ thể, sử dụng 45% nước của thủy điện Đại Ninh ưu tiên tưới thanh long và sản xuất lúa của huyện Bắc Bình, với diện tích 2.300 ha (vụ cùng kỳ năm ngoái 8.800 ha). Riêng Hàm Thuận Bắc, nước được ưu tiên cấp cho sinh hoạt của TP. Phan Thiết, Ma Lâm, nước tưới thanh long và nước uống gia súc. Dự kiến diện tích sản xuất đông xuân 456 ha của các hệ thống thủy lợi miền núi và nước gió. Riêng 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh nhờ nguồn nước từ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, nên những cánh đồng ven sông La Ngà năm nay hầu như không có thay đổi về diện tích sản xuất. Cùng với đó, địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa bạc màu để giảm thiểu nguồn nước tưới, tăng thêm thu nhập...


Nông dân thấp thỏm


          Đông xuân là vụ sản xuất thường cho năng suất cao nhất trong năm. Tuy nhiên, trước nguy cơ hạn hán, năm nay rất nhiều đồng lúa sẽ bị bỏ không do thiếu nước tưới. Đối tượng nhất lúc này có lẽ là nông dân.

          Chúng tôi đã có mặt tại huyện Hàm Thuận Bắc. Nơi đây vốn là một trong những huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh. Nhưng năm nay dường như không có diện tích nằm trong kế hoạch sản xuất. Ông Phạm Thanh - một nông dân có 6 sào lúa tại tổ 6, thôn An Phú, xã Hàm Chính bày tỏ tâm tư: Dù chưa có thông báo chính thức từ địa phương về kế hoạch sản xuất vụ đông xuân, nhưng nghe “phong phanh” năm nay không có nước sản xuất nên chúng tôi rất lo lắng. Nhiều năm qua, nông dân chúng tôi chủ yếu dựa vào 2 vụ lúa hè thu và đông xuân, mỗi vụ thu về 3,5 - 4 tấn lúa/6 sào. Năm nay, cùng với diện tích thanh long mất mùa do sâu bệnh, giá rẻ, nếu không sản xuất vụ đông xuân thì thu nhập của gia đình sẽ giảm đi đáng kể. Cùng tâm trạng với ông Thanh, gia đình anh Trọng ở xã Hàm Thắng cũng đang hết sức lo lắng. Dù sản xuất cả thanh long và lúa, nhưng thu nhập bấp bênh. Cả gia đình 6 người hầu hết dựa vào mấy sào lúa. Nay nếu không sản xuất vụ đông xuân, chắc chắn cuộc sống của gia đình sẽ gặp khó khăn…

          Trước tình hình thiếu nguồn nước trầm trọng trong mùa khô 2015-2016, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, sở đề nghị các huyện xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể; thông báo cho người dân nắm rõ tình hình, không để bà con tự sản xuất. Mặt khác, củng cố các tổ thủy nông nội đồng, phát triển kênh mương nội đồng; bố trí cây trồng cạn. Công ty Khai thác công trình thủy lợi nghiên cứu các biện pháp tưới tiết kiệm nước, nhất là trên cây lúa; khuyến khích người dân tưới tiết kiệm cho cây thanh long, mía...

Thông tin từ Chi cục Thủy lợi tỉnh, đến ngày 15/11, tổng lượng nước tích trữ trong các hệ thống công trình thủy lợi 194,72 triệu m3/ 216,56 triệu m3 dung tích hữu ích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ năm 2014 là 5,23 triệu m3. Bên cạnh đó, lượng nước trữ tại hồ thủy điện Đại Ninh 113,11 triệu m3, thấp hơn cùng kỳ năm 2014 là 125,81 triệu m3; hồ thủy điện Hàm Thuận 418,71 triệu m3, thấp hơn so cùng kỳ 2014 là 99,92 triệu m3.



Trích nguồn: Báo Bình Thuận.
Website: http://baobinhthuan.com.vn