Hàm Tân, mùa khô 2016: Ứng phó với nạn thiếu nước.

          Cập nhật ngày 29/02/2016




          BT- Khoan giếng thì bị nhiễm mặn, nhiễm phèn; kênh cấp nước sinh hoạt bảo đảm lâu dài thì không kịp thi công, đợt hạn năm 2016 này lại gay gắt hơn năm trước khiến Hàm Tân phải ứng phó với nạn thiếu nước.


Đất sản xuất ở Thắng Hải thiếu nước nứt nẻ. Ảnh: Lê Thanh.


Tháng giêng đã thiếu nước


          Mấy ngày qua, một số người dân ở xã Tân Thắng xót vườn cây ăn quả bị thiếu nước nên đã tháo dỡ đập tràn Cô Kiều, dẫn nguồn nước vốn dành cho 2 nhà máy nước Tân Thắng, Sơn Mỹ (chuyên cấp nước sinh hoạt cho 3 xã ven biển Hàm Tân) về vườn của họ. Điều đó đồng nghĩa 2 nhà máy nước Sơn Mỹ, Tân Thắng sẽ ngừng hoạt động vào cuối tháng 2.

          Năm nay người dân 3 xã ven biển Hàm Tân đã ý thức về hạn, về thiếu nước sinh hoạt sớm hơn và hơn thế còn thể hiện sự ứng phó. Chẳng là, 13 giếng nước được tỉnh khoan ở 3 xã này trong đợt hạn năm ngoái đã vô tình khơi dậy phong trào khoan giếng trong dân. Nhưng cái khổ chưa qua vì liền đó, nguồn nước tại một số giếng khoan ở xã Sơn Mỹ bị nhiễm mặn, nhiễm phèn khiến người dân ở 2 xã liền kề là Thắng Hải, Tân Thắng lo ngại, nhất là trong những ngày cuối tháng 2 này khi mà giá nước sinh hoạt đã 100.000 đồng/khối. Giải pháp khoan giếng ở vùng ven biển này xem ra không thể tiếp tục.

          Trong khi đó, giải pháp lâu dài trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho Hàm Tân là kênh chuyển nước hồ Sông Dinh 3 – đập Cô Kiều thì hiện đang trong thủ tục chờ thẩm định bản đồ địa chính để đền bù, giải tỏa đất cho 22 hộ dân. Khâu đền bù vốn thường không nhanh, trong khi hạn lại tới rất nhanh. Nghiêm trọng hơn năm nay , Elnino, hiện tượng khô hạn 100 năm mới có đã biểu hiện rất sớm. Elnino làm sông suối khô cạn, các ao hồ chứa nước nhỏ trong huyện hiếm nước. Như hồ Suối Hoay chỉ còn 20.000m3 nên khả năng cấp nước của Nhà máy nước Tân Minh chỉ có thể tới cuối tháng 3/2016. Còn Nhà máy nước Tân Nghĩa, mặc dù được nâng cấp, lấy nước từ hồ Sông Dinh 3 cũng như tiếp thêm nước cho Nhà máy nước Tân Minh vào năm ngoái nhưng giờ chỉ cấp đủ cho người dân Tân Nghĩa. Bây giờ chỉ hy vọng vào hồ Núi Đất (thị xã La Gi), hiện còn 1,39 triệu m3, sau khi đã dừng tưới sản xuất, để dành cấp nước sinh hoạt nhưng dự báo cũng sẽ hết nước vào cuối tháng 6...


Ứng phó


          Theo ông Kiều Diên – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong kế hoạch vốn năm 2016-2020 của tỉnh hầu như không có công trình nào liên quan đến nước sinh hoạt nhưng tình hình này có thể trích 10% trong kế hoạch kinh phí năm 2016 để chống hạn. Ông Tăng Việt Cường, Giám đốc Sở Tài chính nói: “Nếu đã ghi vốn mà không có nguồn thì cho ứng”. Một vấn đề khác khiến các nhà đầu tư công trình quan tâm là nếu thực hiện các công trình trên theo cơ chế đặc thù chống hạn thì có thể còn kịp. Và đó cũng là nỗi lo của ông Nguyễn Hữu Ba, Bí thư huyện Hàm Tân, khi một mặt chỉ đạo các phòng ban thực hiện các việc để góp phần triển khai sớm các công trình, một mặt chọn cách đưa nước sinh hoạt đến dân trong những ngày tới. Đó là đặt đồng hồ tổng tại xã Tân Xuân, tức lấy nước từ Nhà máy nước La Gi về rồi dùng xe công cộng chuyển nước về các vùng dân cư phía trong, để hộ dân nào cũng có nước sinh hoạt...




Trích nguồn: Báo Bình Thuận.

Website: http://baobinhthuan.com.vn