Hội nghị tổng kết Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới.

          Cập nhật ngày 03/8/2023




          Vào sáng ngày 28 tháng 7 năm 2023, tại Phòng họp khách sạn Đồi Dương (số 209, đường Lê Lợi, phường Hưng Long, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), Cục Thủy lợi- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, vay vốn Ngân hàng Thế giới (viết tắt là Chương trình).

          Tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thủy lợi), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường Y tế), Ngân hàng Thế giới, Kiểm toán Nhà nước (Ban Quản lý dự án nước ngoài), Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cùng đại diện các Sở, ban ngành của 21 tỉnh tham gia Chương trình. Lãnh đạo Cục Thủy lợi và Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.

          Tại Hội nghị, ông Phạm Quốc Hưng- đại diện Cục Thủy lợi báo cáo tổng kết kết quả thực hiện Chương trình; ông Đỗ Mạnh Cường- đại diện Cục Quản lý môi trường y tế- Bộ Y tế báo cáo kết quả thực hiện hợp phần vệ sinh của Chương trình; đại diện Kiểm toán Nhà nước báo cáo công tác kiểm đếm kết quả thực hiện Chương trình; ông Phạm Kiến Quốc- đại diện Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn trình bày các giải pháp duy trì và nâng cao tính bền vững của công trình cấp nước tập trung nông thôn.

          Ông Nguyễn Hữu Phước- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận- đại diện Đoàn tỉnh Bình Thuận báo cáo tình hình cấp nước sạch khu vực nông thôn tỉnh Bình Thuận. Theo đó, Bình Thuận là một trong 21 tỉnh được tham gia Chương trình, thực hiện trong giai đoạn 2016-2022. Đến nay, tỉnh Bình Thuận đã cơ bản hoàn thành mục tiêu của Chương trình như: triển khai đầu tư 05 Tiểu dự án cấp nước với số đấu nối đạt được là 12.785 đấu nối/11.900 đấu nối kế hoạch; xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 22 công trình cấp nước và vệ sinh; hỗ trợ xây dựng 867 nhà vệ sinh cho hộ gia đình; hoàn thành 10 xã vệ sinh toàn xã. Ngoài ra, 03 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục của tỉnh đã hoàn thành các hoạt động trong hợp phần Nâng cao năng lực, truyền thông.



          Ông Trần Văn Liêm- Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận (Trung tâm) báo cáo tham luận chia sẻ kinh nghiệm quản lý vận hành và duy trì bền vững công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn tỉnh Bình Thuận. Ông Liêm cho biết, để đảm bảo các công trình hoạt động bền vững, có hiệu quả, Trung tâm đã quan tâm ứng dụng công nghệ mới và công nghệ thông tin vào công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước; đồng thời xây dựng và kiểm tra chặt chẽ công tác vệ sinh an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, lắp đặt camera tại tất cả các công trình cấp nước. Tại các công trình cấp nước đều được trang bị các dụng cụ, thiết bị kiểm tra trực tiếp một số chỉ tiêu tại hiện trường như: pH, độ đục và Clo dư. Ngoài ra, Trung tâm còn đầu tư, nâng cấp Phòng thử nghiệm chất lượng nước đạt tiêu chuẩn ISO 17025 đối với 13 chỉ tiêu hóa lý và đang tiếp tục triển khai nâng cấp cơ sở hạ tầng để đăng ký đạt chứng nhận VILAS đối với các chỉ tiêu vi sinh.

          Chiều ngày 28 tháng 7 năm 2023, các thành viên tham dự Hội nghị đi tham quan, thực địa tại công trình cấp nước xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận- là công trình được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình, hiện nay đã bàn giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận quản lý, vận hành, khai thác.

Thôn tin về Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, vay vốn Ngân hàng Thế giới


1. Thời gian thực hiện: 2016-31/12/2022 (Gia hạn 02 năm), ngày đóng Chương trình 31/7/2023.

2. Phương thức thực hiện: Giải ngân dựa trên kết quả DLI đầu ra đạt được hàng năm, được Kiểm toán nhà nước kiểm đếm, xác minh.

3. Mục tiêu tổng quát

Cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tăng cường tiếp cận bền vững nước sạch và vệ sinh nông thôn thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

4. Mục tiêu cụ thể

- Đạt số đấu nối cấp nước khoảng: 255.000 đấu nối (với số người hưởng lợi từ cấp nước khoảng: 1.045.000 người);

- Số xã đạt vệ sinh toàn xã tối thiểu là 680 xã;

- Số nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình được xây mới hoặc cải tạo khoảng: 400.000 nhà tiêu;

- Số công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh tại trường học và trạm y tế được xây mới hoặc cải tạo khoảng: 2.650 công trình. Trong đó: 1.650 công trình nước sạch-vệ sinh trường học được xây mới và cải tạo và 1.000 trạm y tế được xây mới và cải tạo trong phạm vi 21 tỉnh;

- Tăng độ bao phủ cấp nước và vệ sinh ở các khu vực mục tiêu;

- Xây dựng năng lực ở cấp tỉnh, xã và thôn, bản nhằm xây dựng thể chế mạnh mẽ và cung cấp nguồn lực cần thiết để thiết kế, thực hiện, quản lý và quan trọng nhất là duy trì các công trình vệ sinh và cấp nước.

5. Phạm vi thực hiện: Tại 21 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận.

          Một số hình ảnh hội nghị...









Tin bài: Khánh Nhân.

Hình ảnh: Xuân Thanh.